Vừa qua, vào ngày 17/12/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC - Chi nhánh tại TP.HCM (VIAC-HCM) đã tổ chức buổi Tọa đàm về Hoạt động đào tạo giải quyết tranh chấp thương mại ngoài Tòa án tại các cơ sở đào tạo luật và nghề luật.
Có thể nhận thấy, việc giảng dạy, đào tạo về Trọng tài thương mại và Hòa giải Thương mại ở các cơ sở đào tạo luật và nghề luật hiện nay đã truyền tải không ít những kiến thức cho học viên, sinh viên trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hoạt động kinh doanh thương mại. Với mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giảng dạy về pháp luật trọng tài, VIAC đã tổ chức buổi trao đổi cùng các giảng viên để phân tích cũng như cung cấp những thông tin hữu ích làm tài liệu tham khảo cho việc giáo dục.
Buổi Tọa đàm xoay quanh ba nội dung chính, bắt đầu với sự trình bày của LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về việc Khảo sát thực trạng giảng dạy trọng tài, hòa giải. Bằng việc lắng nghe các chia sẻ của giảng viên ở các trường đại học và cơ sở đào tạo Luật ở TP.HCM cũng như những số liệu thuyết phục từ các cuộc khảo sát quốc tế thường niên (Khảo sát về Trọng tài Quốc tế 2018 của Trường luật Queen Mary- Đại học London) và khảo sát trong nước (ý kiến của hơn 2000 Doanh nghiệp FDI Việt Nam về phương thức giải quyết tranh chấp vào năm 2017) thì không thể phủ nhận xu hướng mạnh mẽ trong việc sử dụng Trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại trong thời đại giao thương quốc tế như hiện nay. Thông qua đó, LS. Châu Việt Bắc nhấn mạnh về tầm quan trọng trong hoạt động phổ biến pháp luật Trọng tài Thương mại và Hòa giải thương mại từ phía các giảng viên đến các sinh viên, học viên cũng như người hành nghề luật.
Tiếp nối sau đó, việc giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thông qua thực tiễn vụ việc cũng như vấn đề triển khai các án lệ mới của Tòa án được LS. Châu Việt Bắc đưa ra thảo luận cùng với sự phối hợp trình bày của PGS. TS Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Thông qua việc đặt ra các câu hỏi của các giảng viên, VIAC đã phản hồi về từng vấn đề gốc rễ dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa các bên cũng như đi sâu vào giải đáp các thắc mắc trong từng giai đoạn của quá trình tố tụng trọng tài.
Điểm đặc biệt nhất của buổi Tọa đàm giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC với các giảng viên là hướng đến một cách thức giảng dạy khoa học đối với môn trọng tài và hòa giải ở các trường đại học và cơ sở đào tạo luật. Hiện nay, cách thức truyền tải phổ biến môn Trọng tài và Hòa giải của các giảng viên chủ yếu dựa vào các kiến thức chuyên môn, lý thuyết trong giáo trình và điều khoản của Luật Trọng tài thương mại 2010. Bằng việc bóc tách ưu, nhược điểm của các phương thức giảng dạy, VIAC đã đưa ra những đề xuất về phương pháp giảng dạy hiệu quả tập trung vào việc cung cấp kiến thức từ thực tiễn quy trình tố tụng của Trọng tài để tạo cho sinh viên cơ hội tiếp cận và vận dụng lí thuyết vào thực tế như tổ chức các cuộc thi phiên tòa giả định (Moot Court Competition), các khóa giảng dạy đào tạo từ Trọng tài viên của VIAC cũng như đưa đến các buổi kiến tập cho sinh viên, học viên. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam sẽ không ngừng hỗ trợ việc giảng dạy của các giảng viên thông qua việc cung cấp các tài liệu, thông tin thực tiễn giải quyết tranh chấp để phục vụ cho việc giảng dạy. Hơn thế nữa, VIAC sẽ đẩy mạnh việc giao lưu với các giảng viên về trọng tài từ quốc tế để đa dạng hóa các kiến thức, thông tin và tài liệu cho việc truyền đạt kiến thức trong môn học trọng tài và hòa giải.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) mong muốn việc phổ biến kiến thức Trọng tài thương mại và Hòa giải thương mại đến các học viên, sinh viên sẽ khoa học hơn thông qua các phương pháp giảng dạy hiệu quả. Từ đó, việc nghiên cứu pháp luật trọng tài, hòa giải sẽ đạt chất lượng cao, đồng thời việc vận dụng các phương thức này trong giải quyết tranh chấp cũng phổ biến và nhân rộng hơn.